Âm nhạc có thể mở đường cho ngoại giao, đem lại những kết quả to lớn, mạnh ngang với sức mạnh vật chất phi thường.
PV: Xin chào Tiến sĩ Lê Thanh Bình, khi tìm tư liệu về ông, Âm nhạc với cuộc sống được biết đến tài năng của ông: sáng tác nhạc, thổi sáo, làm thơ, thậm chí là võ sư. Vậy tiến sĩ có thể cho biết ông đến với âm nhạc như thế nào?
TS Lê Thanh Bình: Con đường của tôi đến với âm nhạc cũng rất là tự nhiên và thực ra phải nói là cũng có một chút về truyền thống văn hóa. Trong gia đình tôi, ông nội là nhà Nho cũng biết đánh đàn bầu, lúc rảnh rỗi . Ba tôi thì học trường Quốc học Huế cùng lứa với chú Trần Hoàn và chú Phan Quang , thời đó các cụ đều được học âm nhạc. Sau này, ba tôi tham gia quân đội suốt 9 năm kháng chiến và cũng tiếp tục sáng tác và chuyển ngành sang làm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau này có viết ca khúc “Bài ca ngân hàng”. Tiếp thu truyền thống của gia đình tôi vào quân đội, hết chiến tranh thì đọc thêm sách, báo rồi tìm hiểu cách sáng tác nhạc, trong quân đội cũng viết một số bài, tất nhiên là nó không được như bây giờ. Ví dụ những bài “Lẽ đời” hay là “”Tháng năm” , và một số bài phục vụ cho chính trị trong quân đội.
PV: Thưa Tiến sĩ, ở cương vị là nhà ngoại giao cũng như từng giảng dạy và là Trưởng khoa, khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại của Học viện Ngoại giao, tiến sĩ nhận định thế nào về tác dụng, ý nghĩa của các hoạt động văn hóa, văn nghệ nói chung và âm nhạc nói riêng với hoạt động ngoại giao?
TS Lê Thanh Bình: Theo tôi, về văn hóa nghệ thuật, văn hóa văn nghệ nói chung là sức mạnh mềm, là thủ pháp hấp dẫn, hiệu quả, đa dạng, đa năng của ngoại giao nói chung. Đó là chất xúc tác, là con đường đầy sáng tạo và dễ đến nhất đối với các đối tác để mà tiếp xúc, gây thiện cảm, đồng cảm, gắn kết. Từ đó có thể thuận lợi thêm trong thương thuyết, đàm phán để dẫn đến mục tiêu hợp tác lâu dài với nhau. Đối với Quốc gia hay là các tổ chức, cá nhân mà Quốc gia này đối với Quốc gia khác đều như vậy hết. Còn âm nhạc đó là hình thái rất cao của sáng tạo , người ta nói rằng khi mà ngôn ngữ không thể cất lên được thì là âm nhạc sẽ cất lên. Âm nhạc có thể tác động đến những ngóc ngách tình cảm con người. Âm nhạc có thể mở đường cho ngoại giao, đem lại những kết quả to lớn, mạnh ngang với sức mạnh vật chất phi thường. Xin nói vài ví dụ thời xưa ở Phương Đông, chẳng hạn như chúng ta biết câu chuyện Hạng Vũ ở trận Cai Hạ bị thất bại do nhiều lý do, nhưng một trong những lý do đấy là Trương Lương mưu sĩ của Hán Cao Tổ Lưu Bang dùng tiếng sáo, tức là ngoại giao âm nhạc mà không tiếp xúc trực tiếp và còn làm tan rã làm quân của bên Hạng Vũ và Vũ thất bại. Còn các nước khác, chẳng hạn như Bắc Iceland thời xưa cũng vậy, đức vua của nước Iceland khi chống lại việc xâm nhập của quân đội Viking cướp biển rất lừng lẫy, ông phải gẩy đàn của đất nước ông, hô hào tướng sĩ xông lên và đánh đuổi quân Viking ra khỏi bờ biển. Thế còn các ví dụ hiện đại thì rất nhiều, chẳng hạn, nước Nga thì mọi người đều biết là “khúc van thứ hai” của Shostakovich ở trong ngoại giao nước Nga, họ hay trình diễn bài đó để mọi người có thể nhảy với nhau. Hay là các nước khác như nước Na Uy mà tôi đã từng có dịp công tác ở đấy hơn ba năm rưỡi thì họ cũng dùng nhạc của Grieg trong các buổi biểu diễn của quốc gia, chiêu đãi âm nhạc đối với các ngày lễ trọng thể. Hoặc là đối với trường hợp như nước Ba Lan,khi tôi làm đại diện lâm thời tại đó khi chưa có Đại sứ mới, thì Đại sứ cũ Tạ Văn Thông với tôi có kỷ niệm gặp Đại sứ Ba Lan, ông ấy cũng sắp hết nhiệm kỳ. Ông mời chúng tôi đến làm một số công việc về hợp tác thì có nói chuyện với âm nhạc và tôi cũng đề cập đến ông Oginski, người viết bản Polonaise số 13, ông rất xúc động. Từ câu chuyện âm nhạc chúng tôi mới nói sang chuyện hợp tác giữa hai đất nước, trong đó có văn hóa. Và cảm giác là rất nhiều hiệu quả trong công việc đó.
PV: Và đối với bạn bè quốc tế thì cảm nhận của họ như thế nào trong những lần ông mang truyền thống văn hóa Việt Nam qua âm nhạc để quảng bá hình ảnh đất nước ta, thưa Tiến sĩ Lê Thanh Bình?
TS Lê Thanh Bình: Xin nói ngay là đối với những người nước ngoài, khi chúng tôi đến thăm các trường đại học, chẳng hạn như trường đại học Stord-Haugegund của Na Uy. Chúng tôi đều đều dùng văn hóa, văn nghệ, chẳng hạn như là âm nhạc, tôi cũng hát một số bài hát do tôi sáng tác có ảnh hưởng của dân ca hay là đọc thơ thì họ rất thích và cảm giác họ rất là quý mến người Việt. Người Việt trên sách báo, các phương tiện, họ biết được một số cái rồi đấy, nhưng khi trực tiếp tiếp xúc với những người có công việc cụ thể như chúng tôi qua âm nhạc, thì tình cảm sẽ được nâng cao lên. Hay sứ quán nước ta thì hay giao lưu với các sứ quán nước bạn, nhất là ASEAN chẳng hạn. Anh em trong sứ quán cũng đề nghị tôi lên thổi sáo trúc về những bài dân ca như “Trên đường chiến thắng”, “Lý Hoài Nam”. Sứ quán ASEAN họ rất phấn khởi, ASEAN họ rất là thích âm nhạc, người ASEAN nói chung đấy. Theo phiên nước nào cũng lên biểu diễn, mà nước mình chưa mời được văn nghệ thì anh em chúng tôi lên biểu diễn, cũng là góp phần trong ngoại giao. Thế còn đối với kiều bào chẳng hạn, như kiều bào tại Na Uy, trước khi tôi từ Na Uy hoàn thành nhiệm vụ để về Việt Nam công tác . Tôi cũng có sáng tác bài “Hai miền quê yêu dấu” để dành cho thế hệ trẻ của kiều bào ,thì họ rất là vui và rất là hưởng ứng, họ cũng rất trân trọng . Đây cũng là một cách thức để gắn bó, kết nối họ với quê hương, đất nước.
“..Lời ca tôi bay khắp trời, lòng tôi hằng yêu nước Nga”
PV: Trở lại với các tác phẩm âm nhạc mà ông sáng tác đều là những ca khúc chất chứa những tâm sự của ông về ngành nghề, về quê hương, những kỉ niệm ... Ca khúc nào mang đến kỉ niệm ấn tượng nhất trong hoạt động ngoại giao của ông?
TS Lê Thanh Bình: Ca khúc ấn tượng nhất của tôi thì chắc là ca khúc “Nước Nga mùa xuân và cuộc đời”. Bởi vì ca khúc đó khi tôi học đến năm thứ 5 (1985) thì viết bài hát này, khi chất chứa trong lòng, đong đầy lên nhiều tình cảm, nhiều cảm xúc khi tiếp xúc với thiên nhiên Nga, con người Nga, văn hóa Nga, rồi thầy cô người Nga, bạn bè người Nga thì tự khắc nó bật lên thành những nốt nhạc mà tôi viết nháp ra đấy. Sau đó, tôi cũng chỉnh lại vài lần, rồi nhờ anh bạn tên Sơn, lúc đó học dự bị trường Lomonoxop, khoa xã hội học. Khi tôi viết xong thì anh ấy nói để em hát cho, thế là chúng tôi đến biểu diễn ở nhà một gia đình người Nga mà có cô sinh viên học khoa Văn hóa Nghệ thuật, gia đình là quân nhân, họ rất quý Việt Nam. Họ nghe xong xúc động lắm, sau đó thì về đây thì chúng tôi mới sửa thêm. Thế nhưng mà có kỉ niệm rất là sâu đậm, là vì bài hát đó ngay tại Na Uy khi mà tôi đưa cho ông đại sứ của Nga tại Na Uy. Ông nghe xong thích quá và ông ấy đề nghị tất cả cán bộ ở sứ quán Nga tại Na Uy là post lên điện thoại để tất cả cùng nghe , coi như nhạc chờ , đấy là cái kỉ niệm rất sâu đậm. Sau này về ở tại Hà Nội, tôi cũng cho mấy vị làm trong sứ quán Nga tại Hà Nội họ nghe, họ thích lắm.
PV: Vậy còn ca khúc nào mà Tiến sĩ Lê Thanh Bình hay sử dụng trong các hoạt động ngoại giao với các nước khác?
TS Lê Thanh Bình: Đối với nhiều nước, ví dụ tôi chủ yếu hay vào thăm các trường đại học, một số trường hợp gặp gỡ các nhân sĩ, rồi các cái cơ quan đương nhiệm. Đối với nước Nga thì tôi vừa nói rồi là bài “Nước Nga mùa xuân cuộc đời”. Còn đối với các nước nói chung thì có khi tôi hát những bài dân ca như Lý chiều chiều , rồi một số bài nữa mà ảnh hưởng của ca dao và tục ngữ, dân ca vùng quê tôi vì tôi lớn lên trong tiếng hò, vào những cái bài hát âm hưởng Huế và Quảng Trị , ví dụ bài Huế xưa tôi rất thích. Còn một số bài khác như “Gặp lại người xưa” là tôi hay hát nhất. Vì khi để phục vụ cho việc giải phóng miền Nam, nói về cuộc đời những sinh viên ra trận, thì sau này tôi có viết lại bài hát đó “ hôm nay đây tóc chúng mình sương điểm, gặp nhau rồi ôn lại chuyện ngày qua, em ơi em ta là người may mắn, bởi thời gian và chiến tranh, chẳng thể làm phai nhạt tình yêu” .
PV: Dịp này kỷ niệm Quốc khánh Liên bang Nga 12/06/2023. Tiến sĩ có thể cho biết những tình cảm mà ông dành cho nước Nga qua ca khúc “Nước Nga mùa xuân và cuộc đời”?
TS Lê Thanh Bình: Tình cảm đối với nước Nga thì có lẽ, tôi là một trong những người được đào tạo tại nước Nga, không chỉ những người như chúng tôi mà những người chỉ biết qua sách vở hoặc qua cha anh ,hoặc nhiều người chưa đặt chân đến nhưng họ vẫn yêu quý nước Nga. Chúng tôi thì đặc biệt hơn, sống ở đó, nghe những bài dân ca của Nga, nghe nhạc cổ điển của Nga, rồi đi học tiếp xúc với thầy cô, rồi các bà mẹ Nga rất yêu quý, thiên nhiên, con người Nga … Cho nên chúng tôi có những tình cảm rất đặc biệt dành cho nước Nga.
PV: Khi nghe ca khúc có cảm giác âm hưởng của âm nhạc Nga trong tác phẩm. Đây có phải là ý định sáng tác của tiến sĩ không ạ?
TS Lê Thanh Bình: Đầu tiên thì không có ý định rõ rệt lắm đâu, tại vì như đã nói, nó thấm vào người tôi rõ rệt đó là những làn gió của nước Nga, những điệu vũ Nga, những buổi đi cắm trại với anh em sinh viên người Việt và giao lưu với người Nga. Tất cả các thứ thấm vào người tôi, cho nên nó bột phát , đong đầy, nó thúc đẩy viết ra như vậy thôi.
PV: Bên cạnh sự giúp đỡ chí tình ở nhiều lĩnh vực, trong những năm tháng kháng chiến cứu nước của dân tộc ta, nước Nga còn giúp Việt Nam đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, đóng góp vào sự phát triển của nền âm nhạc cách mạng. Thưa Tiến sĩ, ở góc độ một nhà ngoại giao, nếu để nói về tình cảm, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước thông qua lăng kính âm nhạc, ông sẽ diễn tả nó qua câu hát nào trong ca khúc?
TS Lê Thanh Bình: Đối với những người như chúng tôi thì chúng tôi thấy ở cả bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông, tôi viết về mùa xuân nước Nga. Bài hát thì rất gần gũi do quan hệ hai nước có từ lâu đời, thân thiết với nhiều thế hệ người Việt, câu đầu của bài hát là “Nước Nga Xuân đến yêu thương”, mùa xuân đây cũng chính là nước Nga. “Xuân sang không chỉ có trời xanh, xuân vui, không chỉ có đàn chim, mùa xuân với gió tuyết, mưa rơi , mà tôi vẫn yêu người ơi” , ở đây nói tình cảm rất sâu đậm đối với những người đã từng ở Nga như chúng tôi, từng học tập, từng công tác, từng lao động, có những người ở thời đó thì cũng tham gia xây dựng nước Nga, xây dựng nông trang ….. rồi thu hoạch khoai tây, mùa màng, cho nên là nhiều kỉ niệm lắm. Còn về văn hóa thì chúng tôi do tiếp xúc lâu như thế trong đời sống sinh hoạt cùng với anh em sinh viên, cùng sinh hoạt với thầy cô , thấy lạnh mặc ít áo, là thầy giáo thời đó cũng nhắc rồi, cô giáo nhắc rồi, nên nó cảm động lắm . Và thông điệp cuối bài hát của tôi là chúng tôi mãi trông đợi, hy vọng cuộc đời nói chung, thế giới nói chung và nước Nga nói riêng sẽ tươi đẹp, phồn vinh. Bởi vì là “mùa xuân cho tôi ước mơ, xuân mang tương lai sáng người, lời ca tôi bay khắp trời, lòng tôi hằng yêu nước Nga”. Và có lẽ là, tôi cũng nói hộ cho nhiều bạn bè, anh em đã từng ở nước Nga hoặc yêu nước Nga là chúng tôi rất chung thủy như tình cảm người Nga đối với chúng tôi cũng vậy, rất là chung thủy.
PV: Vâng! Người “Nghệ sĩ Ngoại giao”, người “Thày giáo Nghệ sĩ”, đó là những tên gọi mà bạn bè, đồng nghiệp, các lớp học sinh dành cho những đóng góp, cống hiến của TS Lê Thanh Bình đối với sự nghiệp Ngoại giao, Văn hóa . Xin chúc ông sức khỏe, hạnh phúc, và ngày càng có thêm những cống hiến với sự nghiệp Văn hóa Ngoại giao của mình.
TS Lê Thanh Bình: Xin cảm ơn bạn, chúc VOV ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan tỏa những giá trị văn hóa và ngoại giao hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Bình sinh năm 1955 tại Hà Tĩnh, quê gốc của ông ở Quảng Trị. Ông từng đi bộ đội, thuộc đơn vị C26, E293, F373, Quân chủng Phòng không - Không quân, sau đó học tại trường đại học Quốc gia Lômônôxốp, Liên Xô, chuyên ngành Báo chí Truyền thông. Sau đó TS Lê Thanh Bình công tác tại nhiều cơ quan, đảm nhiệm nhiều vai trò như tư vấn, nghiên cứu và giảng dạy, quản lý liên quan đến báo chí, truyền thông và văn hóa... Từ năm 2013 đến năm 2016, ông đã được cử làm Tham tán Công sứ, người thứ 2, ĐSQ Việt Nam tại Na Uy. Ông cũng từng là Vụ trưởng, trưởng khoa, giảng viên cao cấp, chuyên gia cấp Bộ, tham gia thành viên Ban chỉ đạo Ngoại giao Văn hóa của Bộ Ngoại giao. Nguyên Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại của Học viện Ngoại Giao.
Ông đã vinh dự được trao tặng: Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí (2005), Bằng khen Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (2009), Giải B cuộc thi báo chí viết về kỷ niệm hoạt động Tuyên giáo (2010), Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (2011), Giải thưởng “Vì sự nghiệp Dân vận” và bằng khen Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng có bài báo xuất sắc (viết chung) về Hội nghị Paris (2014), Giải Nhì bài viết Kỷ niệm về nước Nga do Hội Hữu nghị Việt-Nga và tạp chí Bạch Dương tặng (2018).