Ngày 24/10, những người yêu nhạc Việt Nam đã phải đón nhận một tin buồn về sự ra đi của Nhạc sĩ Thao Giang. Nhạc sĩ Thao Giang qua đời tại Hà Nội do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 75 tuổi. Ông là người có công lớn trong việc hồi sinh, giữ gìn và phát triển nghệ thuật xẩm
Tác phẩm "Kể chuyện ngày mùa" rất nổi tiếng của nhạc sĩ Thao Giang, trình bày NSUT Thế Dân
Nhạc sĩ Thao Giang, tên thật là Nguyễn Văn Vĩnh, sinh năm 1948, tại Phú Thọ. Ông có thiên hướng âm nhạc dân tộc từ rất sớm. Năm 8 tuổi, ông thi tuyển lớp sơ cấp khóa 1 của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và theo học đàn nhị. Sau nhiều năm học tập tại đây, ông được giữ lại tham gia công tác giảng dạy. Ông cũng từng được cử sang Ấn Độ 5 năm để học tập, biểu diễn giao lưu.
Tâm huyết với đàn nhị và mong muốn có tác phẩm dành riêng cho đàn nhị, nhạc sĩ Thao Giang đã theo học sáng tác và bắt đầu viết tác phẩm cho nhạc cụ truyền thống này. Trong đó, “Kể chuyện ngày mùa” được coi là tác phẩm mẫu mực cho đàn nhị. Ngoài ra, ông còn có những sáng tác nổi bật cho nhạc cụ dân tộc như “Hương rừng” (tam thập lục), “Ao cá Bác Hồ” (đàn tranh), “Du thuyền trên sông Hương” (đàn bầu), “Đường xa vui những tiếng đàn” (đàn tỳ bà), “Hương xuân” (dàn nhạc dân tộc hòa tấu)… Với mong muốn đi sâu sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng các loại hình âm nhạc dân tộc, đặc biệt là các thể loại có nguy cơ thất truyền, năm 2005, nhạc sĩ Thao Giang cùng Giáo sư Phạm Minh Khang đã thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bên cạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam còn là nơi truyền dạy, đào tạo, biểu diễn, giới thiệu tác phẩm âm nhạc truyền thống.
Nhạc sĩ Thao Giang là người tâm huyết và có công lớn trong việc “hồi sinh” xẩm Hà thành. Ông đã tổ chức chương trình “Hà thành 36 phố phường” biểu diễn hát xẩm và các loại hình nghệ thuật truyền thống vào dịp cuối tuần tại khu vực phố cổ Hà Nội, thu hút rất nhiều khán giả, tạo nên một nét đẹp văn hóa của Thủ đô. Ngoài phục dựng, bảo tồn các làn điệu xẩm cổ, nhạc sĩ Thao Giang còn dày công nghiên cứu, chỉnh lý để loại hình nghệ thuật này gần gũi, hấp dẫn khán giả hiện nay. Nhạc sĩ Thao Giang đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 với các tác phẩm “Kể chuyện ngày mùa”, “Tình quê hương”.
Nhạc sĩ Thao Giang đã để lại nhiều di sản âm nhạc quý báu
Nếu nghệ nhân Hà Thị Cầu tôn vinh xẩm làng quê thì nhạc sĩ Thao Giang lại hồi sinh xẩm Hà thành. Đáng chú ý nhất, ông sưu tầm và đã giới thiệu với công chúng Xẩm tàu điện - một di sản quý của thủ đô đã rơi vào quên lãng.
Trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long viết: "Đối với Nguyễn Quang Long, hai người thầy quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc gắn liền với mảng nghiên cứu, lý luận là PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh (giảng viên hướng dẫn chính thức khi còn theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và nhạc sĩ Thao Giang - người khuyến khích Quang Long theo hát xẩm và khuyến khích phát huy hát xẩm bằng thế mạnh của riêng mình”.
Đồng thời, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho biết, trong nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, hình hài, cấu tạo thân đàn, cần đàn… của cây đàn nhị VN hôm nay có sự góp sức không nhỏ của nhạc sĩ Thao Giang. Là một nghệ sĩ chơi đàn, hiểu đàn, hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền và tâm hồn người Việt, ông đã phát hiện những điểm chưa phù hợp của cây đàn nhị theo lối thiết kế của Trung Quốc. Vì thế, ông đã trăn trở, nghiên cứu và từ đó có những cải tiến cây đàn nhị phù hợp với âm nhạc Việt Nam.
"Nhạc sĩ Thao Giang chính là người khởi xướng hồi sinh nghệ thuật hát xẩm, có công tạo nên hát xẩm trong diện mạo đa dạng như ngày hôm nay. Đau đáu về một nghệ thuật ca hát dân gian đặc sắc của dân tộc sẽ sớm bị tắt khi chỉ còn hiện hữu một nghệ nhân Hà Thị Cầu, ngay từ đầu những năm 2000, nhạc sĩ Thao Giang đã tập hợp nhiều nghệ sĩ uy tín trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật dân tộc như GS.TS.NGND Phạm Minh Khang, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Thanh Ngoan, NSND Đoàn Thanh Bình, NSND Thúy Ngần, nghệ sĩ Tự Cường…Các nghệ sĩ trẻ khi đó có Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long và Khương Cường. Tất cả đã đồng lòng chung sức hồi sinh nhiều điệu/bài bản hát xẩm đã thất truyền của Hà Nội, Hải Phòng, của các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Giờ đây những bài này đã trở nên quen thuộc với công chúng", nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long viết.